Hiện nay, sống ảo là từ được dùng phổ biến, đặc biệt là giới trẻ, trong các buổi diễn đàn hay trên các trang mạng xã hội. Vậy sống ảo là gì? Biểu hiện sống ảo như thế nào? Bạn đã thực sự hiểu ý nghĩa cũng như tác hại của nó trong cuộc sống thường ngày không? Hãy cùng thủ thuật vn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về vấn đề sống ảo này nhé.
I. Định nghĩa "sống ảo".
Sống ảo là một hiện tượng phổ biến của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Sống ảo là cụm từ chỉ lối sống, phong cách sống của một bộ phận - những người sốngkhông đúng với thực tế, thậm chí còn thể hiện thái quá, lố bịch trên mạng xã hội. Nhìn chung, những người sống ảo thường mơ mộng hão huyền về cuộc sống thực tại và chú tâm vào thế giới ảo.
II. Biểu hiện sống ảo.
Dưới đây là một số biểu hiện rõ nhất của việc sống ảo:
- Cuồng like: Đây là một hiện tượng phổ biến nhất hiện nay. Hầu hết, người sống ảo sẽ cập nhật trạng thái mọi lúc mọi nơi, dù là chuyện vui hay buồn như người thân mất, những hoạt động cá nhân, họ đều đăng lên mạng xã hội mong muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Thậm chí, họ còn kêu gọi làm tăng số lượt like với mục đích cái này làm cái kia,… và với họ số lượt like là tiêu chuẩn để đánh giá một con người (chẳng hạn những người được nhiều like thì được xem là idol của họ).
- Chụp ảnh tự sướng mọi lúc mọi nơi: Đi ăn, đi chơi, đi đám cưới, đám tang, đi chùa, đi vệ sinh… đều được họ chụp hình tự sướng ở bất kỳ nơi nào. Sau đó, họ sẽ dành rất nhiều thời gian để chọn ra những bức hình đẹp nhất, photoshop/chỉnh sửa ảnh nát tay, nghĩ cap “deep” và đăng lên Facebook, Zalo, Instagram,… Họ tin tưởng tuyệt đối vào những lời tán thưởng mà những người bạn ảo bình luận về bài của họ, đồng thời họ sẽ cảm thấy bị tổn thương bởi những lời chê bai từ những người không quen biết.
- Không rời điện thoại: Những người sống ảo thường coi điện thoại là một vật bất li thân, luôn mang theo điện thoại bên người gần như 24/24.
- Sống khác với điều kiện thực tế: Những người sống ảo thường vô cùng thích khoe (hoặc trở thành thói quen) mọi thứ lên mạng xã hội. Thường thấy nhất là khoe có được những món đồ quý, giá trị, có những người điều kiện kinh tế không tốt nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua những món đồ đắt tiền để khoe lên mạng cho “bằng bạn bằng bè”.
III. Thực trạng sống ảo ở giới trẻ hiện nay.
Hiện nay, sống ảo đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội với những thực trạng đáng báo động. Cụ thể:
- Nhiều năm gần đây, khái niệm hot boy, hot girl trở nên phổ thông hơn bao giờ hết. Trước kia, nếu hot boy, hot girl là nhắc tới những người có ngoại hình xinh đẹp hoặc có tài năng và tham gia nhiều hoạt động công đồng thì giờ đây, bất kỳ ai có nhiều lượt like, follow trên mạng xã hội đều được coi là hot boy, hot girl; thậm chí họ có được nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội từ những tiếng xấu của họ.
- Không hiếm để chúng ta bắt gặp những người luôn dán mắt vào màn hình điện thoại. Báo giấy, sách hay những trò chơi truyền thống dần bị triệt tiêu để nhường chỗ cho điện thoại di động lên ngôi bởi các ứng dụng trò chơi điện tử, báo mạng tràn lan trên mạng xã hội,….
- Các trang mạng xã hội khó tránh khỏi những thông tin, hình ảnh có tính không lành mạnh. Có thể là những hình ảnh đồi trụy, mại dâm không phù hợp với lứa tuổi, tuyên truyền thông tin về chính trị mang tính phản động mà những người kém hiểu biết hùa theo gây nên mất trất tự an ninh mạng dân đến xã hội hỗn loạn.
- Quá chú tâm vào thế giới ảo khiến con người dần trở nên thờ ơ, lạnh nhạt, dửng dưng với những gì xảy ra xung quanh. Gặp hỏa hoạn, lũ lụt, tại nạn, chết chóc,... người ta “vô tư”, hiển nhiên livestream trên mạng xã hội để câu like, tăng tương tác thay vì tìm cách giải cứu sự cố. Bên cạnh đó, một thông tin của báo lá cải về hành vi xấu của ai đó, khi chưa được xác thực, nhiều người đã tự cho mình quyền được chửi rủa, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác.
IV. Tác hại của sống ảo.
Với những phân tích ở trên, chắc hẳn bạn đã phần nào hình dung được tác hại của sống ảo ảnh hưởng đến cuộc sống thực như thế nào. Một số tác hại của sống ảo có thể kể đến như:
- Tiêu tốn thời gian: Nhiều người lên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, kiếm tiền hay phục vụ nhu cầu giải trí. Nhưng có rất ít người biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách có khoa học. Họ thường quá sa đà vào những tin tức không chính thống, dành nhiều thời gian để lướt màn hình điện thoại một cách vô bổ.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị lực của mắt, khiến toàn thân trở nên mệt mỏi và dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Ví dụ như có nhiều trường hợp tự tử vì bị chế giễu trên mạng xã hội, cho trẻ em tiếp xúc sớm với điện thoại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, nhiều vụ nổ điện thoại khi sử dụng quá mức,…
- Dễ tiếp cận thông tin không lành mạnh: Những bức ảnh đồi trụy, những thông tin phản động, các hội nhóm phản động,… là những thứ bạn rất dễ sa vào trên mạng xã hội.
- Xa rời những mối quan hệ hiện thực: Việc quá chú tâm vào những người bạn ảo sẽ khiến bạn ngày một xa rời thực tế, vô tình bỏ rơi xa lánh những người thân thiết, yêu thương bên cạnh bạn. Vì vậy, hãy để điện thoại xuống biết tiết chế và quan tâm nhiều hơn với những người thân bên cạnh bạn nhé.
Lời kết.
Mạng xã hội không xấu, thậm chí nó rất tốt nếu được sử dụng đúng cách. Đừng quên rằng nó là con dao 2 lưỡi, nếu bạn sử dụng đúng thì không sao nhưng dùng sai chính nó sẽ làm tổn thương bạn. Mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về hiện tượng "sống ảo", từ đó điều chỉnh phù hợp những thói quen tốt, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh nhé.